Thứ Hai, tháng 1 27

LỜI NÓI ĐẦU


700 tờ báo đang bị kiểm duyệt.Còm(comment) trên blog cũng bị theo dõi,chủ Blog cũng chỉ muốn đăng những còm vuốt ve và thuận ý mình. Blog này được lập ra để các bạn tự do đọc và còm,chữi trái-chữi phải không hạn chế.Blog này không phân loại,không có đúng- sai,đẹp-xấu,tất cả tùy thuộc người đối diện.Trừ  "LỜI NÓI ĐẦU" tất cả những bài viết trên Blog này là được chép lại từ nơi khác.Vì  tất cả là chép lại nên sẽ không ghi nguồn.

Thứ Sáu, tháng 2 17

Chiến thuật mới: Đốt ngay người tự thiêu


Trong lúc cả nước đang xôn xao quanh vụ Tiên Lãng, đột nhiên tất cả báo đài nhà nước đồng loạt đăng rình rang một buổi họp báo do một thiếu tướng công an chủ trì để tung tin đã bắt tại Bia Sơn, Phú Yên một nhóm 9 “người phản động”. Nhưng càng đọc vào các chi tiết người ta càng thấy nhiều điều không ổn.
Trước hết có nhiều nét cho thấy đây là một hội tôn giáo, từ tên gọi “Ân Đàn Đại Đạo” đến các chức “Hội trưởng Pháp hội”, “Phó trưởng ban Nghi lễ”, “Trưởng ban Hồng vệ pháp”, v.v… Kế đến, các bằng chứng bạo động mà thiếu tướng công an đưa ra gồm “19 kíp nổ, 10 bộ đàm, và 1 ống nhòm” cũng làm bật lên các dấu hỏi. Tại sao công an tìm ra các kíp (ngòi kích) nổ mà không tìm ra chất nổ? Kíp nổ đó gỡ từ cái gì ra? Một tổ chức bạo động không có chất nổ thì giữ mớ kíp nổ để làm gì? (Nhà nghèo không mua được ô-tô nhưng giữ trong nhà cái tay lái?).
JPEG - 34 kb
Cảnh phòng họp báo vụ Bia Sơn.
Rồi 10 bộ đàm và 1 ống nhòm là vũ khí bạo động ư, nhất là khi các nạn nhân này đều sống trong “khu du lịch sinh thái Huỳnh Long ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên)? Vậy có nên bắt hết các nhóm hướng dẫn du lịch trên cả nước chăng? (Hay công an bắt ai cũng được vì khi xông vào khám xét nhà nào cũng có cất giấu… dao?).
Quang cảnh của “phòng họp báo” cũng rất quái lạ, với bàn ghế quây tròn quanh những chậu hoa tươi tuyệt đẹp, với đầy đủ nước chai cho cả những người không có mặt nhưng lại vắng bóng các tang chứng như kíp nổ, bộ đàm, ống nhòm, hay “tài liệu phản động”. Rõ ràng công an Phú Yên được lệnh thoa son đánh phấn để lên truyền hình – có lẽ lần đầu — nhưng lại trang điểm quá mức nên trở nên buồn cười.
Nhưng số phận của 9 nạn nhân bị “bôi đen” tại Bia Sơn không phải là chuyện cười!
Cũng vậy, ngày 26/1/2012, báo đài nhà nước chủ động phóng ra tin tức liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Văn Hùng ở Bắc Giang. Trước đó 3 tuần, khi anh Hùng nhào ra ngăn cản lực lượng an ninh cưỡng chế một sào đất của gia đình anh, anh bị đánh ọc ra máu và gục ngã ngay tại hiện trường. Vì nhà nghèo, không có tiền đi bệnh viện, anh Hùng tiếp tục ho và tiểu ra máu trong suốt 3 tuần liền và lịm chết dần trong uất hận. Báo đài nhà nước giấu nhẹm phần lớn các chi tiết trên nhưng nhanh chóng “tống táng” nạn nhân bằng tin anh Hùng “có tiền sử bệnh lao từ lâu nay”. Không bác sĩ nào có thể lý giải được tại sao bệnh lao lại làm nạn nhân tiểu ra máu.
Nhưng những người thân của anh Nguyễn Văn Hùng sẽ chẳng còn bao giờ nghe được câu lý giải nào sau lời kết luận của công an trên mặt báo!
Và hiển nhiên, thủ thuật chủ động tung tin tô đen các nạn nhân càng lộ liễu trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Ngay trong những ngày đầu, các báo đài lề phải nhanh chóng tung tin, tô vẽ anh Đoàn Văn Vươn là một người dữ dằn, hiếu chiến sử dụng mìn và súng để chống người thi hành công vụ. Trong lúc đó lực lượng công an bộ đội thì được mô tả bằng những hình ảnh có chừng mực nhưng đầy quyết tâm. Chỉ khi thân nhân và hàng xóm của anh Vươn lên tiếng trên internet và bức thư hỏi thăm sự thật của một giám mục, mọi người mới thấy rõ bức tranh và biết gia đình anh Vươn là nạn nhân của một hành động cưỡng chế trái pháp luật. Những dữ kiện xuất hiện trên báo lề trái đến nay cho thấy mưu đồ cướp trọn tài sản của không chỉ gia đình anh Vươn mà còn của mọi gia đình trong toàn khu vực đã có từ nhiều năm trước. Và đến nay thì nhiều người còn đặt dấu hỏi cái gọi là “mìn tự chế” là của anh Vươn hay của công an Tiên Lãng đem đến. Cứ nhìn bức hình rà mìn và gỡ mìn của “Lực lượng cưỡng chế trên lối vào khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn” như được chú thích trên nhiều báo thì sẽ thấy ngay đây là chuyện đóng phim hay chuyện thật. Người rà mìn và gỡ mìn mặc áo vải đội nón cối. Người mặc áo giáp đội mũ sắt đứng phía sau nhưng xà mặt vào xem. Và mọi người quây quần quanh quả mìn đang được gỡ kíp nổ! 
JPEG - 25.8 kb
Cảnh lực lượng cưỡng chế đang gỡ mìn.
Nhưng cả gia đình anh Đoàn Văn Vươn đều bị văng mảnh từ các buộc tội tùy tiện và liên tục của đủ loại quan chức tòa án, chính quyền và công an Tiên Lãng từ ngày đầu!
Rõ ràng những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy Ban Tuyên Giáo đã thay đổi chiến thuật 180 độ. Trước đây, báo đài nhà nước thường tuyệt đối im lặng trước những vụ việc công an bạo hành, quan chức đàn áp dân chúng cho đến khi không còn có thể im lặng được nữa. Sau đó họ phải chạy theo để chửa cháy. Cụ thể như vụ công an đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang, đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội, v.v… Nay khi có những vụ việc lớn, chính công an đưa phiên bản rất nghiêng lệch của họ về sự việc cho báo đài lề phải để chủ động bôi đen các nạn nhân trước khi dư luận có cơ hội biết được sự thật.
Có thể nói lần thay đổi chiến thuật đầu tiên và rất thành công của công an là việc bôi đen nạn nhân Hồ Thanh Hùng trong vụ tự thiêu ngày 3/1/2012 tại Hà Nội. Chỉ vài giờ sau khi ngọn lửa phùng lên trên vỉa hè phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, ngay trước cổng một nhà hàng gần bãi tre sông Hồng, đã thấy bài tường thuật trên báo công an An Ninh Thủ Đô rồi hàng loạt báo lề phải lớn nhỏ đồng loạt đăng lại với vài thêm thắt nhỏ hay chỉ đổi thứ tự các câu, đoạn và kéo dài trong 2 ngày. Cả làng báo 1 người viết đó nhanh chóng tô vẽ hình ảnh một Hồ Thanh Tùng ham mê bài bạc, nợ nần quá nhiều, và nay tìm con đường tự thiêu để trốn nợ.
Nhưng càng đọc các bài báo đó, người ta càng thấy nhiều điểm bất thường và trái ngược. Câu hỏi đầu tiên nếu đây là mẫu người đã nợ nần từ lâu thì không lẽ anh Tùng không biết vô số cách lẩn trốn thay vì tự sát? Nếu đây là loại người ích kỷ chỉ lo thú vui cho mình, thì anh Tùng lại càng không chọn tự sát và lại là cách tự sát đau đớn nhất cho mình? Và nếu đây là một người vì quá xấu hổ với người chung quanh nên tự sát, thì tại sao anh Tùng lại chọn cách tự vận thu hút nhiều sự chú ý nhất trước một địa điểm đông người ngay tại thủ đô Hà Nội?
Bên cạnh đó là nhiều chi tiết bất thường khác, chẳng hạn như công an cho biết tìm thấy sổ hộ chiếu (SHC) của anh Tùng tại nơi tự thiêu và đăng hình nạn nhân trong SHC đó. Ai cũng biết chẳng ai đi ngoài đường ở Hà Nội lại mang theo sổ hộ chiếu, vốn dùng cho mục tiêu xuất cảnh. Nhìn vào sự kiện khi nội vụ xảy ra và công an tìm được đến nhà anh Tùng nhanh như thế có nghĩa là họ lấy được giấy Chứng Minh Nhân Dân (GCMND) có ghi địa chỉ thường trú của nạn nhân, và tại nhà nạn nhân họ mới tìm ra SHC và tra hỏi người thân. Tại sao công an chọn đăng sổ hộ chiếu chứ không đăng giấy chứng minh nhân dân? Sự khác biệt duy nhất là sổ hộ chiếu không có địa chỉ thường trú của nạn nhân. Công an muốn tạo ấn tượng là họ biết rất rõ sự việc để tăng mức khả tín cho các điều họ muốn khoác lên nạn nhân nhưng cùng lúc KHÔNG ĐỂ các phóng viên ngoại quốc và phóng viên “dân báo” kéo đến tìm hiểu sự thật.
Cũng vậy, báo chí đăng tải các chi tiết rất sâu vào đời tư anh Tùng, thậm chí cả những chuyện anh lấy vợ từ năm nào mà không có con, v.v… nhưng tuyệt nhiên không cho biết tên tuổi, nơi ở của các người thân mà báo chí và công an đã phỏng vấn. Đây là cách viết rất bất thường, nửa mở nửa dấu, so với đại đa số các bài vở khác. Các dữ kiện trên báo cũng viện dẫn “kết quả điều tra” của công an, nhưng lại có nhiều từ ngữ “nghe nói rằng”, “có linh tính là” v.v…
Nhưng điều đáng quan tâm là cách viết đó của công an và báo chí nhà nước theo lệnh công an đã thành công trong việc thuyết phục dư luận. Sau các bài báo đó, hầu như không còn ai đặt dấu hỏi nào nữa!
***
Trước thủ thuật đang được dùng ngày một thường xuyên này của công an, đã đến lúc mỗi người chúng ta cần có phản xạ, lập tức đặt dấu hỏi về tất cả những cái gọi là dữ kiện buộc tội hay bôi đen do công an tung ra trên báo đài nhà nước. Đây là điều tối thiểu chúng ta có thể làm cho các nạn nhân. Chúng ta không thể vô tình tiếp tay bồi thêm một tầng oan ức nữa lên các nạn nhân, và nhất là vô tình làm đau lòng thêm cho gia đình của các nạn nhân.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự lên tiếng của bạn bè, xóm giềng, giáo xứ, đồng đạo, và người thân của các nạn nhân. Chúng ta không thể để người thân của mình chết oan đến 2 lần, một lần trên hè phố hay bờ ruộng, và một lần nữa trên mặt báo đảng. Thời đại Internet ngày nay cho chúng ta quá nhiều cách để đưa sự thật ra trước công luận cả nước và cả thế giới. Các cơ quan truyền thông độc lập và cả làng “dân báo” đang nóng lòng muốn tiếp tay khi người thân của các nạn nhân lên tiếng.
Hơn thế nữa, khi lên tiếng vạch trần các oan khuất, chúng ta không chỉ bảo vệ thanh danh cho người thân của mình mà còn góp phần giảm bớt con số những nạn nhân khác sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Người thiếu nữ can đảm Trịnh Kim Tiến với đầy lòng thương kính cha mình và nghĩ đến các nạn nhân khác trong tương lai, đã chọn thái độ đó — KHÔNG IM TIẾNG CHỊU ĐỰNG NỮA!

Đa số dân Hoa Kỳ không có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc


 Thứ ba 14/2 Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình, người sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào trong năm nay, có cuộc nói chuyện với Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch Ốc. TT Obama cho là “cuộc gặp gỡ nhằm cải thiện để mang đến lợi ích cho cả hai bên”
Nhưng hơn phân nữa dân chúng Mỹ không có cảm tình với đất nước mà ông đại diện.Theo kết quả thăm dò do ABC News/Washington Post đưa ra thứ ba thì có đến 52% dân Mỹ có cái nhìn không thiện cảm với TQ, so với 37% có thiện cảm.
TT Obama có cuộc gặp với Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình tại nhà trắng. Photo courtesy:AP

Đây là “một bước đổi ngoặt  không có chiều hướng giảm bớt”, nếu so với 25 năm về trước, khi đó đa số người Mỹ có thiện cảm với quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Vào năm 1989 có đến 80% dân Mỹ tỏ ra có thiện cảm với TQ, nhưng ngay sau khi vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn xảy ra, lập tức con số này chỉ còn phân nữa.
Sau đó khi ABC/Post liên tiếp đo lường mức thiện cảm thì con số này chỉ ‘luẩn quẩn từ 34% đến 42%’ trong suốt thời gian dài, trong khi mức ác cảm có lần lên đến 58% vào tháng 3 năm 1990.
Kinh tế là lý do quan trọng nhất. Trong kết quả thăm dò của tháng 1 năm 2011, con số người Mỹ xem TQ là “mối hăm dọa cho nền kinh tế và việc làm ở Mỹ đã cao gấp đôi con số người vẫn xem TQ là thị trường đầu tư nhiều tiềm năng”
Đặc biệt người dân Mỹ có khuynh hướng bảo thủ có cái nhìn đầy thiên kiến về TQ, so với những người có khuynh hướng tự do hay ôn hòa. Có đến 73% dân bảo thủ có ác cảm với TQ khá rõ.
Các quan sát viên cho là “trong tương lai có thể có thay đổi vì số người Mỹ trẻ tuổi có thiện cảm với TQ vẫn còn cao”, đặc biệt trong lứa tuổi từ 18 đến 29 tuổi, nhưng người trung niên và cao niên thì ngược lại.

Vietnam farmer a hero after shootout with police


Chưa bao giờ giới truyền thông VN lại “lên cơn sốt cao độ như thế” để đưa tin về biến cố ngày 5 tháng 1 năm 2012 khi ông Đoàn Văn Vươn làm 6 công an bị thương bằng vũ khí của mình.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, theo tin ngoại quốc đưa, đã nói là “quyết định thu hồi đất và việc trục xuất bằng vũ lực sau đó đều bất hợp pháp”, nhưng ông nói “vụ này là đáng tiếc”.
Chủ trì một phiên họp hôm thứ sáu 10/2 về vụ Đoàn Văn Vương, Thủ Tướng Dũng kêu gọi “các viên chức toàn quốc phải tích cực xem xét lại đường lối quản lý đất đai của họ”
Ở VN ngày nay, vấn đề người dân tranh đấu với các cấp chính quyền địa phương về tranh chấp đất đai ngày càng gay gắt. Theo luật thì “tất cả đất đai thuộc về tài sản của nhà nước Cộng Sản, nhưng quyền sử dụng đất thì không được cái gì bảo vệ và rất mơ hồ”
Ông Dũng nói: “Viên chức chính quyền địa phương phải bảo đảm chắc là những vụ cưỡng chế và thu hồi đất đai phải ăn khớp chặt chẽ với luật pháp”
Chuyện ông Vươn bất thường ở chỗ tuy chống lại nhân viên nhà nước, song ông lại được nhiều người VN đồng tình, kể cả các cựu viên chức chóp bu như cựu Chủ Tịch nước Lê Đức Anh.
Một chi tiết nữa là tuy ông Dũng có yêu cầu “các viên chức xúc tiến vụ án và cứu xét giảm nhẹ các truy tố nhắm vào ông Vươn, nhưng từ ngữ dùng trong bản tin vẫn là từ ngữ “âm mưu sát nhân”
Bản tin rất chi tiết của AP thì gọi ông Vươn là một nông dân anh hùng (Vietnam farmer a hero) trong hàng tựa của họ.

Read more: 
http://www.foxnews.com/world/2012/02/10/vietnam-farmer-hero-after-shootout-with-police/

Thứ Năm, tháng 2 16

Tại sao Việt Nam nghèo hèn?


Cho dù là người lạc quan nhất bạn cũng cảm thấy bi quan và phẫn nộ khi nhìn chung quanh mình. Phải nhìn nhận rằng tình hình đất nước không khả quan. Biên giới bị kẻ thù xâm lấn. Ngư trường bị kẻ thù chiếm đoạt và kiểm soát. Kinh tế suy thoái. Lòng người ly tán. Cái ác lên ngôi. Đạo đức suy đồi. Hệ thống giáo dục và y tế rối beng. Nhìn chung, nền tảng xã hội bị lung lay đến tận gốc. Tất cả những nét vẽ đó làm cho bức tranh xã hội Việt Nam ảm đạm. Nghèo. Hèn. Câu hỏi là “tại sao” . Tại sao nên nông nỗi này?
Ai cũng có thể tìm cho mình câu trả lời. Có thể nhiều câu trả lời. Nhưng quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đến một câu trả lời đơn giản nhất. Lãnh đạo. Nói chính xác hơn là do lãnh đạo bất tài nên đất nước mới ở trong tình thế nghèo hèn như hôm nay.
Câu trả lời của tôi xuất phát từ một hình ảnh lãnh đạo của một bệnh viện mà tôi từng gắn bó trên 20 năm. Anh được thành ủy phân công làm giám đốc một bệnh viện lớn của TPHCM. Anh người nam, trẻ hơn tôi độ 4 tuổi, xuất thân là một y sĩ trong thời kháng chiến. Do đó, trình độ y khoa của anh rất hạn chế. Anh không dấu diếm điều đó. Là người cộng sản, nhưng anh lại là người dễ thương, có cảm tình và thông cảm với đám bác sĩ của chế độ cũ như chúng tôi. Anh thích gặp bạn bè sau giờ làm việc và lai rai vài lon bia nói chuyện đời. Qua “những chuyện đời” tôi mới biết được rằng tuy anh làm giám đốc bệnh viện, nhưng anh chẳng có quyền gì cả. Tất cả đều làm theo chỉ thị cấp trên và của chi bộ Đảng. Bí thư chi bộ là một bác sĩ được ngoài bắc chi viện vào tiếp quản, trong lúc các bác sĩ miền nam đua nhau vượt biên bỏ chạy khỏi VN. Anh rất bận giải quyết các vấn đề nhỏ mang tính hậu cần trong bệnh viện. Anh rất bận đi họp và … ký giấy giới thiệu. Thời đó giấy giới thiệu rất quan trọng! Họp giao ban anh không nói gì về chuyên môn mà chỉ đơn giản thông báo chỉ thị cấp trên và đọc khẩu hiệu. Những khẩu hiệu mà chính anh cũng không tin hoặc không hiểu. Anh tại chức được hơn chục năm. Trong thời gian tại chức anh không để lại một dấu ấn nào. Bệnh viện vẫn chật chội, bệnh nhân càng ngày càng tăng trong khi số giường không thay đổi. Bẵng đi một thời gian tôi gặp lại anh, bấy giờ anh đã là một tiến sĩ, phụ trách một Cục trong bộ có văn phòng ở TPHCM. Anh ngạc nhiên khi thấy tôi chưa “làm tiến sĩ”. Anh là một lãnh đạo tiêu biểu trong thời CNXHCNVN, một lãnh đạo được tôi luyện trong môi trường du kích và nâng đỡ của Đảng. Lãnh đạo quốc gia cũng chẳng khác mấy so với anh cựu giám đốc bệnh viện tôi vừa kể.
Vai trò lãnh đạo rất quan trọng. Tôi nhìn lãnh đạo là yếu tố quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia. Nước nào có lãnh đạo tài ba thì nước đó sẽ thăng tiến, nước nào có lãnh đạo bất tài thì nước đó sẽ lụn bại. Lý Quang Diệu của Singapore là một minh chứng. Nam Hàn với Phát Chung Hy (Park Chung-hee) là một minh chứng khác. Philippines với tài nguyên dồi dào dưới sự lãnh đạo của một người bất tài như Marcos thì hậu quả chỉ có thể nói là nghèo nàn, lạc hậu. Vâng, bạn có thể phản biện rằng Lý Quang Diệu và Phát Chung Hy là hai kẻ độc tài. Vâng, tôi đồng ý. Họ độc tài nhưng độc tài có đức. Nhưng quan trọng hơn là họ có tài. Độc tài mà ngu dốt như Marcos mới đáng sợ gấp triệu lần hơn là độc tài có tài đức. Việt Nam từng có Hồ Chí Minh cũng có thể xem là một nhà lãnh đạo có tài chính trị, nhưng tài kinh tế thì là con số 0. Kể từ khi ông Hồ mất, Việt Nam không có lãnh đạo tài ba và đủ uy tín để huy động quần chúng. Và đó chính là lý do tại sao chúng ta vẫn còn là một trong những nước nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới. Nói nghèo là còn nhẹ, phải nói là sắp phá sản thì đúng hơn. Phá sản cả về kinh tế lẫn cơ cấu xã hội.
Vậy thế nào là một lãnh đạo tài ba? Theo tôi nghĩ, người lãnh đạo tài ba là người có tầm và có tâm, có khả năng làm cho người khác muốn nghe theo mình và làm theo ý của mình. Nói cụ thể hơn, người lãnh đạo tài ba là người có viễn kiến và khả năng đạo đức huy động quần chúng thực hiện và biến viễn kiến thành hiện thực. Để có khả năng huy động quần chúng, tôi nghĩ người lãnh đạo phải có 10 phẩm chất sau đây.
Phẩm chất số 1 là có tầm nhìn. Người lãnh đạo như thuyền trưởng điều khiển con tàu, ngồi trên boong tàu, nhìn rõ phía trước, tránh chướng ngại vật và tìm đường an toàn mà đi. Tức là người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa nhưng rõ ràng, phải biết lái con thuyền đất nước đi theo xu hướng chung của thời đại nhưng đồng thời tránh xung đột. Các vua chúa Thái Lan đã từng lái con thuyền đất nước Thái Lan như thế, họ không làm anh hùng để tham chiến với ai, thậm chí chấp nhận một chút thiệt thòi để đưa đất nước giàu mạnh. Họ có tầm nhìn xa, biết mình biết người và vì lợi ích chung của đất nước.
Đối chiếu lại tình hình Việt Nam, lãnh đạo chúng ta có viễn kiến gì? Họ muốn Việt Nam đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa cộng sản làm kim chỉ nam. Nhưng đó là định hướng sai lầm. Chính vì định hướng XHCN đã biến một phần đất nước từng xuất khẩu gạo phải ăn độn bo bo. Chính vì định hướng XHCN đã biến phân nửa Việt Nam có thời giàu có thành nghèo hèn như ngày hôm nay. Chính vì định hướng XHCN mà hệ thống giáo dục rối như canh hẹ như ngày nay. Bây giờ thì ai cũng biết chủ nghĩa cộng sản là loại chủ thuyết không tưởng. Ngay cả quê hương của chủ nghĩa cộng sản cũng đã từ bỏ nó một cách không thương tiếc. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh; Là loài nấm độc sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời”. 
Mối liên hệ giữa CNXH và phồn thịnh là mối liên hệ nhân quả. Những nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa sau khi từ bỏ con đường đó trở nên giàu có. Bắc Triều Tiên và Cuba kiên định theo xã hội chủ nghĩa là những nước nghèo nhất thế giới. Nước ta khá lên cũng vì từ bỏ chủ nghĩa bao cấp, hợp tác xã theo mô hình XHCN. Ngày nay, Việt Nam sau một thời suýt suy sụp nay lại gương cao ngọn cờ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là một định hướng quá thai. Quái thai vì kinh tế thị trường thì không thể nào xã hội chủ nghĩa được. Ngay cả những lãnh đạo đề ra nó, lớn tiếng nói về nó cũng không hiểu họ nói gì! Ấy thế mà lãnh đạo Việt Nam đang lái con thuyền đất nước đi theo hướng mà chính họ không biết hướng nào. Nhưng dân thì biết rõ rằng họ đã lèo lái con thuyền đất nước chệch hướng và chúng ta đang và sẽ trả giá đắt cho sự chệch hướng đó.
Phẩm chất số 2 của người lãnh đạo là liêm chính. Tôi hiểu “liêm” là không tham nhũng, “chính” là chính nghĩa, chính trực. Người liêm chính là người có chính nghĩa và không tham nhũng. Lãnh đạo phải có phẩm chất liêm chính thì mới thu hút được nhân tâm. Người lãnh đạo tiêu biểu có phẩm chất là này cụ Hồ Chí Minh. Ông cụ có một cuộc sống thanh bần cho đến ngày mất đi và không có tài sản nào đáng kể. Ông cụ có khả năng thu hút quần chúng vì tấm gương trong sáng đó.
Nhưng rất tiếc trong thời đại ngày nay, Việt Nam chưa có một lãnh đạo nào có thể xem là liêm chính. Họ không được dân bầu thì làm sao có chính nghĩa. Ngược lại, quan tham quá nhiều. Quan tham hiện diện trong bộ máy của Đảng, của nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Quan tham hiện diện trong tất cả các cấp chính quyền, từ cao nhất đến thấp nhất. Có thể nói rằng chưa bao giờ trong lịch sử nước ta tham ô hối lộ tràn lan và lộng hành như hiện nay. Người cộng sản thường tuyên truyền rằng “Mỹ Ngụy” là đồng nghĩa với tham ô hối lộ. Điều đó cũng đúng một phần. Nhưng người cộng sản không dám thú nhận rằng chế độ do Đảng CSVN lãnh đạo ngày nay còn tham ô hơn cả trăm lần so với thời “Mỹ Ngụy”. Chưa có bao giờ nạn mua quan bán chức phổ biến như hiện nay. Chưa có bao giờ những hàm cấp tá, cấp tướng rẻ bèo như hiện nay. Chưa có bao giờ những tấm bằng tiến sĩ rẻ rúng như hiện nay. Đó không phải là dấu hiệu của sự suy vong thì là gì? Lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến mà còn thiếu tính liêm chính.
Phẩm chất số 3 là dấn thân. Dấn thân là dùng thời gian và năng lực của mình để hoàn thành mục tiêu đề ra. Dấn thân là quên mình, gần dân. Có thể nói thế hệ lãnh đạo trong thời chiến là những người dấn thân. Họ theo cách mạng, theo cụ Hồ vì dấn thân đánh Tây, đuổi Mỹ, dành độc lập tự chủ cho quê hương. Họ sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng đó. Họ thật sự là những người dấn thân. Cố nhiên, tôi chưa nói họ dấn thân có đúng hay không, tôi chỉ nói họ là tiêu biểu cho lý tưởng dấn thân.
Ngày nay thì sao? Theo tôi thấy, lãnh đạo ta chưa chứng minh rằng họ dấn thân vì sự thịnh vượng của đất nước. Đất nước hòa bình, họ lo cho bản thân và gia đình hơn là cho đất nước. Thật vậy, họ nếu có thì họ dấn thân thì vì quyền lợi cá nhân và gia đình của họ. Họ sẵn sàng làm tất cả để giữ cái ghế, vị trí của họ trong bộ máy nhà nước, bộ máy Đảng. Họ dấn thân vào Đảng không phải để phục vụ nhân dân mà để được ăn trên ngồi chốc, được đem bổng lộc cho dòng họ, gia tộc. Đọc bài của Huy Đức sẽ thấy một ông chủ tịch Quốc hội (Nông Đức Mạnh) mà không hề biết thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu dân và còn tỏ ra ngạc nhiên thành phố có nhiều xe! Lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính và không dấn thân vì sự nghiệp chung.
Phẩm chất số 4 là dám nói dám làm. Một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo giỏi là dám nói ra viễn kiến của mình và dám thực hiện cũng như chịu trách nhiệm về hậu quả của việc làm. Đó là phẩm chất của một lãnh đạo can đảm và có danh dự. Một lãnh đạo dám nói dám làm tạo ra một tấm gương tốt để cấp dưới và người dân có thể tin tưởng vào họ. Chúng ta đã thấy lãnh đạo Hàn Quốc dám chịu trách nhiệm như thế nào. Họ sẵng sàng xin lỗi công chúng khi cấp dưới làm sai. Lãnh đạo Nhật sẵn sàng và tự nguyện từ chức khi không làm tròn trách nhiệm.
Còn Việt Nam thì sao? Chúng ta đã thấy có nhiều lãnh đạo chỉ nói mà không dám làm. Cũng có nhiều người làm nhưng không dám chịu trách nhiệm. Lãnh đạo Việt Nam không hề có văn hóa từ chức, không hề có danh dự. Lãnh đạo Việt Nam không quen với hai chữ “xin lỗi”. Họ tỏ ra rất vô trách nhiệm. Công trình xây dựng có vấn đề, vở đê, những cây cầu sắp hoặc đang sập, nạn ùn tắt giao thông triền miên, tội phạm hoành hành, công an tàn ác và giết dân, giáo dục suy thoái, y tế hỗn độn, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm. Có bộ trưởng y tế còn trân tráo tuyên bố ra đi một cách thanh thản để lại sau lưng một di sản rồi mù. Do đó, phải nói rằng lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân và vô trách nhiệm.
Phẩm chất số 5 là quyết đoán. Quyết đoán không có nghĩa là hung hãn! Quyết đoán có nghĩa là quyết tâm làm theo kế hoạch và ý định đề ra để đạt kết quả. Quyết đoán cũng có nghĩa là khả năng diễn đạt một cách rõ ràng, không để cho người khác hiểu lầm. Người lãnh đạo phải quyết đoán để đạt được kết quả đề ra. Tôi nghĩ đến một người gây ra nhiều tranh cãi nhưng có phẩm chất quyết đoán, đó là ông Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng. Ông là một lãnh đạo dám nói, dám làm và quyết đoán. Ông nói không thu dụng quan chức học tại chức chuyên tu là ông làm. Ai dèm phe thế nào thì dèm pha, ông vẫn không thay đổi quan điểm và vẫn làm. Ông có thể là độc tài và có vài vấn đề khác, nhưng ông là người lãnh đạo có tài, dám quyết đoán.
Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng rất hiếm thấy những lãnh đạo như Nguyễn Bá Thanh. Ngược lại, chúng ta thấy toàn những lãnh đạo chỉ làm theo chỉ thị của cấp trên, không hề tỏ ra quyết đoán. Họ chỉ là những người lãnh đạo ngoan ngoãn, với viễn kiến duy nhất là giữ được cái vị trí hiện tại. Một vụ dịch tả họ cũng không dám tuyên bố cho dân biết vì sợ đụng chạm cấp trên. Khi kẻ thù xâm phạm vùng biển của ta, họ không hề có một lời tuyên bố bảo vệ ngư dân và lãnh hải. Ngay cả ngài thủ tướng còn không dám (?) đuổi một bộ trưởng hay thứ trưởng nào! Lãnh đạo Việt Nam ngày nay do đó là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân, vô trách nhiệm và thiếu tính quyết đoán.
Phẩm chất số 6 là cởi mở.  Tôi hiểu cởi mở là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, lắng nghe những ý tưởng mới không hẳn có cùng ý tưởng với mình. Người lãnh đạo tài ba là người tôn trọng ý kiến của người khác, tin tưởng vào dân và trí thức. Người lãnh đạo có tài không cần có học cao, nhưng phải hiểu rộng và có khả năng thu hút người tài chung quanh mình. Người có tài thường có cá tính và “trung ngôn nghịch nhĩ”, nên người lãnh đạo phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của họ.
Tuy nhiên, rất hiếm thấy lãnh đạo Việt Nam có tính cởi mở. Thái độ cởi mở của cụ Hồ và ông Võ Văn Kiệt không hiện hữu trong giới lãnh đạo hiện nay. Mới đây, wikileaks tiết lộ rằng một vài lãnh đạo Việt Nam không cởi mở với chuyến hồi hương của ông Nguyễn Cao Kỳ. Họ không lắng nghe giới trí thức phản biện về bauxite. Chúng ta biết rằng viện IDS bị bức bách phải đóng cửa. Họ không cho tự do báo chí. Họ kêu gọi báo chí chống tham nhũng, nhưng nhà báo phải đi tù vì chống tham nhũng! Ai nói gì khác họ là mang cái mũ “phản động”, “thành phần bất mãn”, thậm chí “chống chế độ”. Đến nhà văn đại tá Nguyên Ngọc, tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, giáo sư Phạm Toàn … mà họ còn liệt vào nhóm “phản động”! Lãnh đạo Việt Nam đã đánh mất niềm tin của trí thức và của người dân. Vì thế, có thể nói rằng lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán và không cởi mở.
Phẩm chất số 7 sáng tạo.  Sáng tạo là có khả năng suy nghĩ cái mới, suy nghĩ khác những quy định giáo điều. Người lãnh đạo tài ba phải có khả năng sáng tạo để có thể nhìn thấy trước những gì người thường không nhìn thấy.
Lãnh đạo nước ta thật khó có khả năng sáng tạo do họ bị trói buộc trong giáo điều của Đảng. Họ không nói ra được một điều gì ngoài những nghị quyết, quyết định của Đảng. Thử nghe qua một bài diễn văn của các cấp lãnh đạo, chúng ta thấy họ chỉ đọc đi đọc lại những từ ngữ nhàm chán. Tiến lên xã hội chủ nghĩa. Học tập và làm theo tấm gương của bác Hồ. Đảng ta quang vinh vĩ đại. Vân vân. Những câu chữ nhàm chán chỉ có một mục đích duy nhất là nhồi sọ. Họ thốt ra những khái niệm mà chính họ không hiểu ý nghĩa. Họ chỉ là những người hô khẩu hiệu. Trong môi trường bị Đảng kiểm soát họ không thể suy nghĩ được cái gì mới, bởi rất dễ bị quy chụp là “xét lại”. Do đó, khó có thể có những lãnh đạo Việt Nam có tính sáng tạo. Khi gặp tình huống khó khăn và người dân bày tỏ quan tâm, tất cả những gì họ có thể nói là “để cho Đảng và nhà nước lo”. Nhưng họ không giải thích được lo cái gì, trong khi ngư trường bị kẻ thù xâm chiếm. Họ không có chiến lược gì sáng tạo để giảm lạm phát kinh tế. Họ không có sáng kiến nào để làm cho dân giàu nước mạnh như một khẩu hiệu phổ biến. Bên cạnh đó, có kiểu sáng tạo nổi hứng chẳng giống ai như bộ trưởng Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân. Họ đòi ra những quy định có ảnh hưởng nhiều triệu người mà không hề có nghiên cứu gì cả. Một kiểu làm việc theo cảm tính. Họ tỏ ra năng động bằng một cú điện thoại. Họ tỏ ra năng nổ nhưng họ lại tự biến mình thành nhưng kẻ chỉ biết nổ mà không có sáng kiến gì cả. Vì thế, lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở và không có sáng kiến (dốt).
Phẩm chất số 8 là công minh. Không cần nói ra, ai cũng biết công minh là đối xử với mọi người một cách công bằng và minh bạch, trước sau như một. Phẩm chất công minh đòi hỏi người lãnh đạo phải tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp quy chứ không phải theo những mối liên hệ cá nhân và bè phái. Chế độ cộng sản không xem công minh là quan trọng. Chính vì thế mà khi Liên Xô đổi mới, Gorbachev giương cao ngọn cờ “Glasnost” mà thực chất là công minh hóa.
Nhưng ở nước ta trong thể chế hiện tại, tất cả các mối liên hệ chịu sự chi phối của thân thế, quyền lực và Đảng. Dân gian vẫn nói “Nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế”. Quan tòa xét xử dựa vào cái gọi là “nhân thân” hơn là lý luận tội trạng. Người ngoài Đảng lúc nào cũng bị thiệt thòi hơn Đảng viên. Đó là chưa kể đến nạn địa phương chủ nghĩa. Một người vào trung ương liền kéo theo đàn em, đàn anh địa phương theo để kết bè kết cánh. Hệ quả là tất cả những hành xử đều dựa vào thân thế, bè phái. Hễ cứ đến kỳ đại hội Đảng là có những trò đánh đấm nội bộ và họ sử dụng báo chí cho mục tiêu đó. Nhìn bề ngoài người ta sẽ nghĩ báo chí có tự do nêu lên những cá nhân “tiêu cực”, nhưng dần dần người dân biết quá rõ rằng đó là những trò đánh đấm để tranh quyền tranh chức. Lãnh đạo mà không công minh, hành xử trước sau bất nhất thì làm sao huy động được quần chúng. Không ngạc nhiên khi thấy người dân xem lãnh đạo như là những người đóng kịch. Mà họ đóng kịch rất kém. Họ đóng kịch để làm như tuân theo pháp luật nhưng trong thực tế là họ đứng trên pháp luật. Lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính liêm chính, không chịu dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở, dốt và thiếu công minh.
Phẩm chất số 9 là văn minhTrong thế giới hiện đại người lãnh đạo không chỉ là một công dân Việt Nam mà còn là một công dân toàn cầu. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải xuất hiện một cách lịch thiệp, phải biết hành xử một cách có văn hóa và văn minh với đồng nghiệp ngoại quốc. Nếu người ta biết chơi golf, lãnh đạo cũng nên biết tham dự. Nếu người ta nói được tình hình quốc tế, lãnh đạo cũng phải biết tham gia câu chuyện và có chính kiến. Lãnh đạo nên ăn nói lưu loát. Tuy không cần nhưng sẽ rất tốt nếu lãnh đạo biết một ngoại ngữ. Chúng ta thấy hình ảnh của nữ thủ tướng Thái Lan, một người có học hành nghiêm chỉnh, ăn mặc đơn giản nhưng lịch thiệp, nói tiếng Anh lưu loát, rất gần dân nhưng khi gặp lãnh đạo nước ngoài bà cũng có khả năng trao đổi một cách tự nhiên.
Còn lãnh đạo nước ta? Chỉ nhìn qua cách ăn mặc và đi đứng chúng ta cũng dễ dàng thấy lãnh đạo nước ta chưa … văn minh và thiếu những nét văn hóa tối thiểu. Chúng ta biết rằng lãnh đạo ta thường xuất thân miền quê, ít ra nước ngoài, nên họ chưa quen với những cách ứng đối văn minh. Thử nhìn ông Nguyễn Chí Vịnh, ông Đinh La Thăng, hay rất nhiều lãnh đạo khác chúng ta thấy họ ăn mặc rất xuề xòa, quần áo chẳng chẳng đâu vào đâu, caravat thì hờ hững hoặc sai kiểu cách, tóc tai bù xù, tất cả tạo nên những con người trông rất phản cảm. Có người mà tôi nghĩ trong đời họ chưa bao giờ dùng đến cái lượt chải đầu! Họ thể hiện rất rõ cái tính kém văn minh và kém văn hóa. Chúng ta biết rằng lãnh đạo nước ta không có học nhiều nhưng lại có bằng cấp rất cao. Chúng ta biết rằng phần lớn những cái bằng đó chỉ là mua bán chứ không phải do miệt mài học tập mà có. Do đó, khi gặp người cùng trình độ, họ ứng xử một cách thấp kém hơn, lép vế hơn. Họ cũng rất kém tiếng Anh. Nhìn ông Phạm Gia Khiêm bên cạnh bà Clinton thì chúng ta xấu hổ cho ngài ngoại trưởng Việt Nam biết dường nào. Do đó, lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính liêm chính, không chịu dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở, thiếu trình độ, thiếu công minh và có phần kém văn hóa.
Phẩm chất số 10 là biết thương ngườiLàm lãnh đạo phải biết khổ nỗi khổ của người dân, phải biết chia sẻ vui buồn với người dân. Điều kỵ nhất là lãnh đạo vô cảm, quan liêu. Một lãnh đạo vô cảm là lãnh đạo thiếu nhân tính. Thương dân theo cái nhìn cá nhân của tôi là gần dân khi dân gặp hoạn nạn hoặc thiên tai. Lãnh đạo Mỹ sẵn sàng trì hoãn một chuyến công du để đi thăm dân trong lúc hoạn nạn. Chúng ta đã thấy các chính khách Thái Lan và Singapore tiếp cận dân như thế nào trong lúc họ gặp nạn. Họ không màu mè, không đi cứu trợ hay thăm dân chỉ để chụp được một tấm ảnh đẹp, họ tỏ ra là những người biết khổ cái khổ của dân.
Còn các lãnh đạo nước ta thì hoàn toàn không có dấu hiệu nào để gọi là thương dân. Tuần vừa qua, chúng ta thấy trong khi dân nước lũ tràn về làm ảnh hưởng nghiêm trọnng đến mùa màn của nông dân ở một số tỉnh ở miền Tây, nhưng có lãnh đạo nào ghé thăm đâu. Ông tổng bí thư thì bận chuẩn bị cho chuyến đi thăm thiên triều. Còn các vị khác thì im hơi lặng tiếng, chẳng ai có lời hỏi han, chẳng ai thân hành xuống xem tình hình ra sao. Nhưng họ có ra chỉ thị! Trước đó, ngay cả một trận lũ lụt lịch sử ở miền trung, có lãnh đạo ghé thăm ăn mặc chỉnh chu, có người che dù, đứng trên gò đất cao chỉ trỏ, giống y như hình thực dân ngày xưa đi thị sát tình hình. Một hình ảnh rất phản cảm mà giới blogger đã nói nhiều. Việc lãnh đạo xa dân chẳng có gì là bí mật. Ông Phan Minh Tánh là cựu ủy viên trung ương Đảng cũng nói “giữa dân và lãnh đạo có một số khoảng cách trong vấn đề này, gây ra ít nhiều bức xúc trong xã hội”. Bức xúc? Tôi nghĩ nói thế là còn lịch sự. Phải nói là khinh. Dân rất khinh lãnh đạo. Dân khinh lãnh đạo vì họ là những người thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính liêm chính, không chịu dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở, thiếu trình độ, thiếu công minh, kém văn hóa và không hề biết thương dân.
Lãnh đạo Việt Nam ngày nay làm ngược lại hoàn toàn những gì cụ Hồ căn dặn. Chẳng những không làm theo lời dạy của cụ Hồ, nhưng họ lại rất thích lấy hình tượng và những lời giáo huấn của cụ Hồ ra để giảng dạy người khác. Đó là hình ảnh của một thế hệ lãnh đạo đạo đức giả và dối trá.
Nhưng tại sao lãnh đạo Việt Nam ngày nay bất tài và dối trá như thế? Tôi nghĩ cần phải nhìn vào sự xuất thân và quá trình trưởng thành của họ thì sẽ thấy được nguồn gốc của vấn đề và có câu trả lời. Những người lãnh đạo Việt Nam ngày nay đều là đảng viên Đảng CSVN. Họ được dạy một cách khá thuần thục về chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản thực chất là một tôn giáo, nhất là Thiên chúa giáo La Mã. Đảng Cộng sản thực chất là một giáo hội. Đặc tính giáo hội của Đảng có thể nhìn thấy từ cơ cấu tổ chức đến hoạt động. Thiên chúa giáo có đức giáo hoàng, Đảng CS có tổng bí thư. Thiên chúa giáo có hội đồng giám mục, Đảng CS có ban bí thư. Thiên chúa giáo có hội giám mục, Đảng CS có bí thư tỉnh ủy. Thiên chúa giáo có cha, Đảng CS có bí thư chi bộ. Thiên chúa giáo có tín đồ, Đảng CS có đảng viên. Thiên chúa giáo xem người ngoại đạo là “người lương”, Đảng CS xem người ngoài Đảng là … quần chúng. Quần chúng không đáng tin cậy vì quần chúng nói chung là có tội hay có tiềm năng có tội. Trong cái tôn giáo đó, tín đồ (đảng viên) phải tuyệt đối tin vào giáo huấn của Đảng, không được chất vấn. Họ được dạy về đấu tranh giai cấp. Họ được dạy về đấu tranh bằng vũ lực. Chính vì thế mà ngôn ngữ của họ là “cướp”, “dành”, “giựt”. Họ nói huỵch tẹt rằng “cướp chính quyền”. Suy bụng ta ra bụng người, họ từng cướp chính quyền bằng vũ lực, nên họ nghi ngờ cái quần chúng ngoài Đảng cũng có ý đồ tương tự. Đó là lý do họ đàn áp người dân khi người dân biểu tình phản đối Tàu Cộng (chữ của GS Vũ Cao Đàm mà tôi nghĩ là chính xác) và áp đặt một chế độ công an trị. Đó là mô hình tổ chức và hoạt động của Mao Trạch Đông và Stalin. Được tôi luyện và trưởng thành trong cái môi trường tôn giáo Mao – Stalin như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy giới lãnh đạo Việt Nam:
  • Thiếu tầm nhìn – Vì họ quan tâm đến sự sống còn của Đảng chứ không phải của dân tộc hay đất nước.
  • Thiếu tính liêm chính – Vì họ sống trong môi trường dối trá, dựa vào quan hệ cá nhân. Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Gorbachev nói: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.
  • Không chịu dấn thân cho đất nước – Họ chỉ biết dấn thân cho Đảng, cho cá nhân vì lý tưởng của họ là sự tồn vong của Đảng.
  • Vô trách nhiệm – Tôn giáo còn có trách nhiệm, nhưng lãnh đạo ngày nay không có trách nhiệm vì hệ thống tổ chức chồng chéo giữa Đảng và nhà nước. Đảng ra lệnh nhà nước làm nhưng Đảng không chịu trách nhiệm!
  • Thiếu tính quyết đoán – Lớn lên trong môi trường của Đảng và tổ chức họ không hề có ý tưởng độc lập và quyết đoán.
  • Không cởi mở – Vì giáo điều của Đảng là phải nghi ngờ người ngoài Đảng nên họ lúc nào cũng có thái độ nghi ngờ quần chúng, nghi ngờ trí thức.
  • Thiếu trình độ – Họ không có tự do học hỏi những gì ngoài giáo điều của Đảng nên khó có thể có trình độ cao và rộng.
  • Thiếu công minh – Sống và làm việc trong môi trường Đảng như là một hội kín thì không thể nào có sự minh bạch được.
  • Kém văn hóa – Văn hóa của họ là văn hóa Đảng, văn hóa làng xã, mà trong đó mọi người xuề xòa với nhau, bênh vực nhau. Nên khi ra ngoài họ không thoát được cách hành xử của văn hóa ao làng.
  • Không hề biết thương dân – Đảng xem dân là những người có tiềm năng phản trắc, nên họ lúc nào cũng nhìn dân bằng cặp mắt nghi ngờ. Không thể nào đòi hỏi họ thương dân. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thẳng hơn “Những ai còn tin vào những gì cộng sản nói là không có cái đầu. Những ai làm theo lời của cộng sản là không có trái tim”.
Ở nước ta có những khẩu hiệu vô lý nhưng chẳng ai đặt câu hỏi. Một trong những khẩu hiệu thuộc loại vô lý đó là “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý”. Người dân diễu cợt hỏi trong một đất nước chẳng có ai làm công cả thì thử hỏi làm sao khá nổi! Nhưng suy nghĩ kỹ câu khẩu hiệu đó chúng ta thấy một sự giả dối. Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng không hề chịu trách nhiệm trước dân. Bao nhiêu oan khiên từ thời Cải cách ruộng đất, Cải tạo công viên chức VNCH, đánh tư sản mại bản … Đảng vẫn không đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước thực chất là từ Đảng, xuất thân từ Đảng. Nói “nhà nước quản lý” chính là Đảng quản lý. Nhân dân làm chủ cái gì trong khi Đảng quản lý tất cả? Trong thực tế chế độ nước ta là chế thực dân kiểu Đảng trị. Chế độ này rất khác với chế độ thực dân kiểu cũ hay kiểu mới mà người cộng sản thích phê phán và kêu gọi đánh phá. Trong chế thực dân kiểu Đảng trị, người dân không có quyền gì cả. Tất cả, từ lập pháp đến hành pháp đều do Đảng độc quyền. Người dân chỉ là người nô lệ kiểu mới mà thôi. Người dân lao động ngày đêm không đủ ăn nhưng chỉ để làm giàu thêm cho mấy ông quan tham có thẻ Đảng.
Trong chế thực dân kiểu Đảng trị và môi trường bán tôn giáo bán chính trị, không có chỗ đứng cho người có thực tài. Người có tài là người ưa thích tự do, thích chất vấn, thích tìm cái mới. Họ sẽ không thể nào và không bao giờ chịu sự trói buộc bởi một ý thức hệ nào vĩnh viễn, càng không chịu sự chi phối của các giáo lý đoội lốt nội quy của Đảng. Họ càng không thể chấp nhận chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Mao – Stalin, bởi trong thực tế chủ nghĩa đó chống lại tinh thần khai sáng tri thức. Nhưng ở nước ta, muốn lãnh đạo thì phải có thẻ đảng. Thế là những người có thực tài và yêu chuộng tự do không có vai trò trong việc lãnh đạo. Ngược lại, những người tham gia Đảng để gọi là lãnh đạo là những người bất tài, cơ hội, những người chỉ muốn vâng lệnh chứ không có khả năng suy nghĩ độc lập. Thế là cái chính sách có thể nói là quái đản đó là một cách loại bỏ những nhân tài ưu tú của đất nước. Đó chính là lý do tại sao nước ta dù lúc nào cũng có người tài, nhưng trong cái cái cơ chế hội kín của Mao – Stalin pha màu tư bản đỏ như hiện nay thì người tài hoàn toàn bất lực.
Vài người hy vọng một cách huyền bí rằng trong thời đất nước suy đồi sẽ có một “minh quân”, một “nhân tài xuất chúng” sẽ xuất hiện. Trong bối cảnh và cơ chế Mao – Stalin hiện nay đó chỉ là một giấc mơ lãng mạn. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy giới trí thức đang quay lưng với những lời kêu gọi của Đảng và nhà nước. Chúng ta cũng không ngạc nhiên tại sao đất nước đã thống nhất 36 năm nhưng lòng người thì chưa thống nhất.
Do đó, tuy câu trả lời tại sao Việt Nam nghèo hèn là do thiếu lãnh đạo có tài, nhưng căn cơ sâu xa của câu trả lời chính là … Đảng. Đảng CSVN và chủ nghĩa cộng sản chính là nguyên nhân dẫn đến lãnh đạo bất tài. Lãnh đạo bất tài làm cho đất nước đi chệch hướng, tổn thất về con người trong thời chiến, kinh tế lụn bại, đạo đức xã hội suy đồi. Vấn đề là VN không có một đảng chính trị khác ngoài Đảng CSVN. Đó cũng là một bất hạnh cho dân tộc. Bởi vậy tôi nghĩ Đảng CSVN phải tự mình cải cách, phải tuyệt đối từ bỏ mô hình Mao – Stalin. Chỉ khi nào thoát khỏi mô hình Mao – Stalin và thiết lập dân chủ thì may ra nước ta mới có cơ hội thoát nghèo. Và thoát hèn.
BSN

Thứ Tư, tháng 2 15

Chuyện tình của người đàn ông VN chung thủy


Hôm qua nhân ngày Lễ Tình Nhân, BBC News đã đi bài và ảnh về câu chuyện chung tình cảm động của một người đàn ông VN. Câu chuyện thú vị ở chỗ người yêu của ông là cư dân vủng vùng đất bí hiểm nhất thế giới: Bắc Hàn.
Năm 1971, ông Phạm Ngọc Canh (hay Cảnh) gặp gỡ cô Ri Yong-hui khi ông sang Bắc Hàn du học về ngành hóa học. Ông “si tình” ngay cô bạn, dù chỉ thấy nàng “qua lỗ khóa” của phòng thí nghiệm ở Hamhung.

Đám cưới của ông Phạm Ngọc Cảnh và ba Ri Yong-hui được tổ chức ở Hà Nội vào năm 2002

Năm 1973, ông Canh rời Bắc Hàn về nước và sau đò tiếp tục viết thư tình cho người yêu dấu trong vòng…30 năm sau đó. Bắc Hàn không cho phép công dân tiếp xúc với ngoại nhân nên ông chỉ biết khổ thầm.
Nhờ kiên trì tìm hiểu sau khi trở lại Bắc Hàn nhiều lần, ông biết cô Ri hoặc đã lấy chồng hoặc đã chết, nhưng ông Canh vẫn không tin, vì cái thư tình cô gửi cho ông lần cuối là vào năm 1992.
Năm 2001, nhờ “lì lợm” gửi thư cho cả hai người nhân chuyến viếng thăm Bắc Hàn của Chủ Tịch nước và Ngoại Trưởng VN, ông nhận được lời đáp của chính phủ Bình Nhưỡng cho phép ông lập gia đình với cô Ri.
Đám cưới của họ diễn ra năm 2002 ở Hà Nội, có đến 700 quan khách tham dự. Nhiều người đã khóc khi nghe chuyện tình lâm li khó khăn của họ qua nhiều năm tháng.
Giờ đây đã ở độ tuổi 60, hai vợ chồng Việt-Hàn đang chung sống với nhau trong một căn nhà khiêm tốn ở Hà Nội. Họ vẫn còn đèo nhau trên cái xe gắn máy cà tàng của ông Canh trên phố phường Hà Nội hay tay nắm tay đi dạo ở 36 phố phường.
Sau 10 năm chung sống, khi được hỏi cảm nghĩ của ông Canh về bà vợ, ông nói: “Tôi vẫn yêu bà ấy tha thiết như năm nào, không thay đổi gì cả”

Thứ Hai, tháng 2 13

MÙI MÙ TẠC CỦA HỌ NHÀ CẢI VÀ HIẾN PHÁP


Không phải ngẫu nhiên mà ngày quốc tế lao động 01/5 lại là ngày được sản sinh ra tại bến cảng Chicago nước Mỹ xa xôi vào năm 1884.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong công cuộc cải cách xã hội sau 36 năm thống nhất đất nước Việt Nam, thì Hải Phòng là nơi đầu sóng ngọn gió diễn ra 2 việc lớn. Việc lớn đầu tiên là làm lại điều bình thường của khoa học xã hội: khoán sản phẩm đến xã viên thời kỳ đầu cõi trói kinh tế 1986 - việc mà ông Kim Ngọc đã làm từ thời còn chiến tranh Việt Nam, ở Vĩnh Phúc. Ông làm đúng, nhưng đảng cho là sai, và ông bị đảng đánh đến tơi tả - người thực hiện lại ở Hải Phòng là ông Đoàn Duy Thành. Việc thứ hai là, câu chuyện mùi mù tạc của họ nhà Cải ở Tiên Lãng hôm nay.

Hai vùng đất ấy, một ở Mỹ và một ở Việt Nam đều là vùng đất cảng. Và là cảng quan trọng bật nhất của hai quốc gia. Nếu cảng Chicago là cảng đứng hàng đầu về lưu thông phân phối của nước Mỹ, thì cảng Hải Phòng cũng vậy. Nó đóng góp cho Hải Phòng tăng trưởng kinh tế cao và, Hải Phòng đứng hàng thứ tư trong tóp 5 tỉnh thành đóng góp ngân sách nhiều nhất nước, chỉ sau Sài Gòn, Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội.

Đất cảng là đất của xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối hàng hoá. Từ đó, đất cảng cũng sinh ra lắm vấn đề xã hội quanh kinh tế cảng biển. Nó hình thành nét văn hoá xử thế mang tính bộc trực, hiên ngang của kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc.
 Ông Kỹ Sư Đoàn Văn Vươn (trái) và em ruột là Đoàn Văn Quý (phải) sẽ là những con người được lịch sử ghi ơn, là có công với đảng cộng sản và với dân tộc, đất nước Việt Nam khi họ đã dũng cảm vạch ra sai trái trong quá trình lãnh đạo của đảng - Ảnh của báo NLĐ

Hai tháng nay mùi mù tạc của nhà Cải ở Tiên Lãng - ngọn sóng đầu tiên hay nói văn chương hơn là nơi đầu sóng ngọn gió (先)- dậy sóng bằng những viên đạn hoa Cải và bom tự tạo. Nhưng tới giờ việc giải quyết chỉ là bước đầu, đơn giản cũng chỉ làm chuyện kết tội và xử thằng đánh máy chữ nó sắp bản in sai. Ở góc nhìn tổng thể mùi hoa Cải ở Tiên Lãng là câu chuyện của Hiến Pháp - luật cơ bản của một quốc gia - không đúng với quy luật khoa học xã hội mà tôi đã viết nhiều bài trên blog này. Có 2 cái không đúng một cách cơ bản trong hiến pháp cần phải sửa đổi nhanh chóng mới mong một xã hội tốt hơn.

Cái chưa đúng cần sửa đầu tiên là phải làm sao hiến pháp nước Việt tạo ra một hình thái xã hội có đối lập, mà không đối kháng, có mâu thuẩn nhưng là mâu thuẩn đó làm cho xã hội tiến lên. Việc này ai cũng hiểu cần sửa điều nào trong hiến pháp mà không cần nhắc lại. Lâu nay, dưới sự lãnh đạo của một mình đảng từ kiến trúc thượng tầng đến cơ sở hạ tầng xã hội. Nó đã tạo ra xã hội Việt Nam có tập thể những ông vua cùng chung quyền và lợi. Mùi mù tạc của họ nhà Cải ở Tiên Lãng chỉ là một trong những đốm lửa cách mạng do tức nước vỡ bờ mà nên. Khắp 63 tỉnh thành nước Việt từ các đô thị lớn đến tỉnh xa câu chuyện Tiên Lãng đầy rẫy. Nhưng chưa có vùng đất nào dám hy sinh như gia đình ông Đoàn Văn Vươn để đối đầu với lực lượng thực thi chuyên chính vô sản của đảng. Hải Phòng lại phải đi đầu.

Cái chưa đúng thứ hai của hiến pháp là, việc hiến pháp phải khẳng định quyền tư hữu về tư liệu sản xuất của con người. Đây cũng là một qui luật xã hội học mà lâu nay đảng cộng sản đã từ chối nó để làm điều ngược lại. Bản chất của con người và động thực vật là tư hữu và quyền lực. Chỉ khi nào con người chỉ sống bằng hít thở không khí và hấp thu năng lượng như con robot thì lúc đó mới không có chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất ra đời. Nhưng khác với con robot, con người là loài động vật thông minh. Nó có những đòi hỏi khác và cao hơn những đòi hỏi bản năng của động thực vật.

Hai cái cần phải sửa và thay đổi đúng với quy luật này như điều kiện cần và đủ để làm nên một xã hội có nền kinh tế phát triển vững bền dưới một nền chính trị chuyển động trong ổn định. Vì một đất nước phát triển tốt và vững bền là một đất nước có những hoạt động chính trị chuyển động nhanh để phù hợp với nhu cầu của kinh tế. Chứ không phải một nền chính trị ổn định - hay nói cách khác là ù lỳ - để phát triển kinh tế trong chiếc áo chính trị chật hẹp.

Hiến pháp phải sửa đồng bộ cả 2 điều cơ bản trên thì xã hội Việt Nam mới ổn định. Nếu hiến pháp chỉ sửa một trong 2 điều trên thì tình hình xã hội Việt sẽ không thay đổi, mà còn ngày càng xấu hơn về mọi mặt. Và nếu đảng còn bảo thủ không mau chóng sửa đúng và đủ 2 điều trên, thì những phát súng hoa Cải ở Tiên Lãng hôm nay, là điềm báo hiệu chắc chắn không xa, cuộc cách mạng hoa Cải sẽ đến, dù chuyên chính vô sản có vững như kiềng ba chân cho đảng lãnh đạo. Tuy hoa Cải không có hương, nhưng mùi mù tạc của dòng họ nhà Cải chắc chắn sẽ cay nồng hơn hương hoa Nhài.

Ðất đai và nỗi lo của người dân nước Việt



Ðầu năm, chuyện chọn người xông đất là một nếp văn hóa mà chủ nhân muốn người xông đất mang đến sự an bình tốt đẹp. Nhưng cũng có những trường hợp không mấy vui nếu như người xông đất lại là công an.


Một khi công trình nhà nước luôn là mối đe dọa chỗ ở của người dân, thì rất có thể, sự bùng nổ đấu tranh của con người bắt đầu từ chỗ này. (Hình:Phi Khanh/Người Việt)

Năm nay, dù muốn hay không, kẻ xông đất nhà anh Ðoàn Văn Vươn là công an. Họ không những xông đất mà còn giẫm đạp lên nhiều thứ mà anh Vươn và gia đình đã dày công xây dựng, trồng trọt.
Xa hơn một chút, chuyện đất đai, có lẽ, hiện tại, không có người dân nước nào có nhiều nỗi lo hơn người dân nước Việt.
Vì sao? Vì nói cho cùng, người dân nước Việt hiện tại, xét về mặt quyền lợi trên mảnh đất của mình, chỉ tương đương với thời phong kiến.
Thời phong kiến, đất đai là của vua chúa, người dân canh tác và đóng sưu thuế. Thời cộng sản, đất đai trên danh nghĩa của toàn dân, nhưng do nhà nước quản lý, và nhà nước có toàn quyền định đoạt, chiếm hữu.
Quyền duy nhất của người dân có được trên mảnh đất nhiều đời, mồ hôi xương máu của mình chỉ là quyền sử dụng.
Giấy chứng nhận sử dụng đất, theo tinh thần Khoán 10 (năm 1995) cho đến nay vẫn chỉ dành quyền sử dụng tạm thời và quyền sử dụng lâu dài cho người dân. Hoàn toàn không có quyền sở hữu.
Vì quyền sở hữu có ba thuộc tính căn bản: Chiếm hữu; Sử dụng; Ðịnh đoạt.
Vì người dân Việt cho đến nay vẫn chỉ có duy nhất một phần ba quyền sở hữu đất, đó là quyền sử dụng, nên mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ chỗ này.
Vì con người, một khi không có quyền chiếm hữu và định đoạt, thì mọi hoạt động chỉ mang tính chất tạm bợ, không đảm bảo lâu bền, và mọi mối nguy mất trắng của người dân cũng bắt đầu từ chỗ này nếu như chính quyền có ý đồ chiếm đoạt đất đai của người dân.
Và điều này đã diễn ra từ Nam chí Bắc. Chuyện chính quyền chèn ép dân, đẩy dân vào đường cùng để chiếm đoạt đất đai là “chuyện thường ngày ở huyện”, đến mức con người trở nên quen thuộc và mất sức đề kháng.

Vì sao mất sức đề kháng?

Ðây là câu hỏi có quá nhiều câu trả lời. Nhưng có hai vấn đề chính khiến cho con người không còn suy tư về thân phận, quyền lợi của mình: Sự ngu dân hóa lâu ngày và chiêu bài trụy lạc.
Sự ngu dân hóa được phân bổ một cách nhịp nhàng, lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, trong đó, đáng kể nhất vẫn là giáo dục, báo chí và văn hóa.
Giáo dục một chiều, giáo điều và nén con người vào một cỗ máy quay cuồng bài học nhưng thiếu tính ứng dụng và phiến diện, điều này ai cũng hiểu (nhưng chỉ có một nhóm người không hiểu!).
Báo chí cũng một chiều nốt, là công cụ tuyên truyền và khoe mẽ thành tích của đảng cộng sản, nó có mục tiêu cho con người thấy sự “ưu việt” của chế độ cộng sản xã hội chủ nghĩa. Nhưng hoàn toàn không đứng về kẻ yếu và càng không nói lên được nhân tâm, công lý.
Văn hóa thì miễn bàn, một loại gió văn hóa cộng sản đã thổi suốt ba mươi mấy năm ở miền Nam và thổi suốt tám mươi mấy năm ở miền Bắc, nó mang theo cả xú uế và tử khí của nhiều xác chết quốc tế cộng sản với hèm rượu Trung Quốc khiến cho con người vừa sợ hãi cái chết, vừa u mê trong cơn say thực tại theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Và một khi, sự sợ hãi, đặc biệt là sợ bị mất đất bất kì giờ nào, lỡ nói bạo miệng, sẽ bị mất nồi gạo, sẽ bị tịch thu đất vì một “lý do bất kỳ” nào đó thì nguy cơ con người trở nên hèn nhát và yếu đuối là có thật.
Bên cạnh, sự bùng phát sự trụy lạc trên mọi khía cạnh không phải ngẫu nhiên mà có.
Nơi nào sắp có dự án, sắp có những vấn đề nhạy cảm đất đai, đền bù, dấu hiệu đầu tiên là các ổ mại dâm và quán nhậu xuất hiện ở đó.
Một khi các tế bào gia đình bị phá vỡ bởi mại dâm, rượu chè, con người rơi vào trụy lạc và thì ý nghĩa nhân quyền, dân chủ đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Con người, lúc này phải đối diện với những cuộc chơi sa đà, nợ nần, gia đình rối loạn. Và món tiền đền bù ít ỏi, bị cắt xén, vô hình trung trở thành quà cứu rỗi của “thượng đế chính quyền”.
Khả năng duy nhất có được của những gia đình lâm vào nợ nần và trụy lạc sẽ là van xin, cầu cạnh và thụ động đón nhận.

Nỗi ưu tư của con người còn mắc kẹt trong nơi ăn chốn ở, thì mọi suy tư khác khó mà có được. (Hình:Phi Khanh/Người Việt)

Và, cũng chính vì con người đã bị ngu dân hóa quá lâu, cộng thêm những cạm bẫy trụy lạc rình rập... khiến cho mọi suy tư về quyền con người càng lúc càng phai mờ, khả năng đấu tranh của cá nhân bị bào mòn, thậm chí tiêu tan.
Nguy hiểm hơn nữa là sau sự xuất hiện của ăn nhậu, mại dâm, sẽ là ma túy. Và đây là cú đấm cuối cùng vào trí tuệ con người mà không phải ngẫu nhiên, mọi vùng đất đai có vấn đề đều kéo theo sự lan tràn của nó.
Trở lại vấn đề xông đất đầu năm, có lẽ, sống trên mảnh đất mà con người không có quyền làm chủ, không có quyền định đoạt thì có cả ngàn người hợp tuổi, cả triệu người tốt mạng, tốt số đến xông đất cũng vậy thôi. Vì nguy cơ mất đất vô tội vạ là có thật.

Hãy để một điều luật đến xông đất

Nói nghe hơi tếu, nhưng chỉ cần sửa đổi một điều luật căn bản về đất đai, con người có quyền sở hữu phần đất của mình, thì may ra, con người mới tiến bộ và đi xa hơn được trong tiến trình nhân loại.
Chỉ cần một điều luật duy nhất, qui định về ‘quyền sở hữu đầy đủ của con người trên mảnh đất của mình’. Ðó là “thần tài” xông đất tốt nhất để con người an cư lạc nghiệp.
Sẽ không bao giờ có một sự nghiệp nào bình an nếu con người chưa được an cư. Nói rộng ra qui mô đất nước, thì sẽ không có một nền dân chủ nào ghé đến nếu người dân trong đất nước đó còn khốn đốn về chỗ ở và đất đai của mình.
Và, có thể có nhiều người chưa bao giờ chịu suy tư về nhân quyền, dân chủ. Nhưng mối lo về đất đai, chỗ ở thì chiếm 100% dân số.
Có thể còn lâu lắm Việt Nam mới có những cuộc biểu tình yêu cầu thay đổi nền dân chủ, thay đổi cơ cấu hạ tầng cũng như kiến trúc thượng tầng. Nhưng đấu tranh cho chỗ ở, đất đai để an cư lạc nghiệp là chuyện rất tự nhiên và bùng nổ bất kì lúc nào.

Việt Khang - Việt Nam Tôi Đâu?


Việt Khang không phải là tiến sĩ, anh không có được giải thưởng quốc tế nào để cho nhà nước VN vinh danh hay lợi dụng và anh cũng không có mảnh đất riêng nào cần phải bảo vệ khỏi cặp mắt thèm khát của bọn cường hào mới.

Tất cả anh có chỉ là tấm lòng. Tấm lòng đó thể hiện qua hai bài hát “Anh là Ai?” và “Việt Nam Tôi Đâu?” Lời hát của anh trực diện, không chống Tàu vu vơ:

“...Xin hỏi anh ở đâu?
ngăn bước tôi, chống giặc tàu ngoại xâm?
Xin hỏi anh ở đâu?
sao mắng tôi, bằng giọng nói dân tôi?
Dân tộc anh ở đâu?
sao đang tâm, làm tay sai cho Tàu?
để ngàn sau ghi dấu
bàn tay nào, nhuộm đầy máu đồng bào...”
........

“Tôi không thể ngồi yên
Để đời sau cháu con tôi làm người
Cội nguồn ở đâu?
Khi thế giới nay đã không còn Việt Nam.”
.......

Tấm lòng đó rầm rì, bền bĩ, bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước. Tiếng lòng đó phát ra từ trái tim phẫn uất của Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại hội nghị Bình Than khi quân Nguyên-Mông sang xâm lăng nước ta. Tiếng lòng đó truyền sang cả André Menras, Hồ Cương Quyết, một người Pháp có quốc tịch Việt Nam, khi ông khóc với “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”.

Tiếng lòng đó phát ra từ tim, vang xa và mạnh hơn tiếng đại bác nên Việt Khang bị nhà cầm quyền VN bắt.

Phải chi Việt Khang “khôn lanh”, thêm “bác Hồ” hay “đảng CS” vào đâu đó trong bài hát của anh giống như các lãnh đạo CSVN, những trí thức XHCN vẫn thường hay trích “bác Hồ nói thế này...”, “bác Hồ nói thế kia...” trong các phát biểu của họ, thì có lẽ nhà cầm quyền VN sẽ không làm gì anh?

Nhưng cả một đời Bác và đảng đều dựa vào Tàu, sống nhờ Tàu. Đảng CS Việt Nam dựa vào Tàu để đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng, nhờ Tàu để “giải phóng” được miền Nam rồi đưa Cả-Nước-Xuống-Hố và bây giờ đang dựa vào Tàu để bảo vệ sự sống còn của đảng, của chế độ, thì làm sao Việt Khang có thể đưa Bác và đảng vào đâu đó trong các ca khúc chống Tàu của mình được?

Vì mối tình anh em “vĩ đại”, Việt Nam có bị mất đi một nữa thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan, mất cứ điểm quan trọng ở Lão Sơn, Hà Tuyên, mất hàng ngàn cây số bờ biển, hay nhiều hơn nữa thì một số lãnh đạo cao cấp của đảng CS vẫn thản nhiên ca tụng tình hửu nghị Việt-Trung thắm thiết này.

Chính vì thế mà Việt Khang bị bắt, chính vì thế mà blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, chị Bùi Thị Minh Hằng bị bắt và nhiều, nhiều người có cùng tấm lòng như họ bị bắt hay bị đàn áp.

Nếu câu thần chú “16 chữ vàng”, “4 tốt” làm Việt Nam bị mất ĐỘC LẬP, vòng kim cô chủ nghĩa cộng sản làm cho người dân Việt Nam bị mất TỰ DO, đất nước Việt Nam bị kìm hãm không phát triển được, thì HẠNH PHÚC chỉ có thể có được nếu ai đó chịu đeo vòng kim cô XHCN của bác Hồ và của đảng CSVN.

Chính vì thế mà Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Tạ Phong Tần, Nguyễn Bá Đăng, Phan Thanh Hải, LM Nguyễn Văn Lý, Vi Đức Hồi, Nguyễn Tấn Hoành, và nhiều, nhiều người khác nữa bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt.

Tình thế bây giờ đã khác xưa, họ không lẻ loi nữa. Mà thật ra, những người yêu nước chưa bao giờ lẻ loi. Dù họ đang ở trong tù , nhưng tiếng nói của họ vẫn được vang lên nơi này nơi kia trên thế giới bởi những nguời yêu tự do khác. Và nhà cầm quyền VN không có cách nào để làm im những tiếng nói đó.

Cuối tháng 12 năm 2011, nhà cầm quyền VN bắt Việt Khang tại Mỹ Tho, quê anh, vì hai bài hát anh phổ biến trên mạng.

Tháng 1 năm 2012, đài SBTN qua nhạc sĩ Trúc Hồ và Ủy ban PBSOS qua tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, cùng các hội đoàn, đoàn thể người Việt tại Mỹ mở một chiến dịch rộng rãi để lấy ít nhất 25 ngàn chử ký của người Việt tại Mỹ gởi cho Tổng thống Obama, yêu cầu ông lên tiếng về việc nhà cầm quyền VN bắt giữ nhạc sĩ Việt Khang và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Cuộc vận động mở rộng khắp nơi có người Việt, từ Atlanta (GA), Camden (NJ), Falls Church (VA), Houston (TX), Louisville (KY), Orange County (CA), Philadelphia (PA), Silver Spring (MD), Bayou La Batre (AL), đến Biloxi (MS) v.v...

Chiến dịch bắt đầu từ thứ Tư 08/02/2012 cho đến hết ngày 08/03/2012. Theo bản tin ngày 11/02/2012 của BPSOS, “ Lúc 12 giờ khuya (9/2/2012), giờ Hoa Thinh Đốn, số người ký tên ủng hộ đã lên tới 21,300. Trong khi ấy nhiều người, nhất là ở những tiểu bang miền Tây vẫn tiếp tục ký tên. Ở mức hiện nay, chúng ta có thẻ đạt mốc điểm 25 ngàn nội sáng thứ Bảy”.

Tính đến 3 giờ chiều giờ VN, ngày 13/02/2012, số người ký tên đã lên tới 32.590 và con số còn nhích lên từng phút (xin bấm vào link để biết kết quả cập nhật).

Cùng hẹn nhau ở cột mốc 43.000 chử ký. Đây sẽ là con số kỷ lục, cao nhất trong tất cả các thỉnh nguyện thư đã gởi cho Tổng thống Obama từ trước đến nay (Thỉnh nguyện thư “End ACTA and Protect our right to privacy on the internet” đạt được mức cao nhất hiện nay với 42.481 chử ký).

Cuộc vận động này không chỉ xảy ở Mỹ mà còn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau tại Úc, Canada, Âu Châu, qua các cuộc vận động của nguời Việt với chính giới tại các nước sở tại.

Cũng theo bản tin trên của PBSOS, “...Thành quả này thể hiện tấm lòng của cộng đồng người Việt đối với đồng bào và quê hương, và biểu dương khả năng huy động và phối hợp ở quy mô sâu rộng, cả trong và ngoài cộng đồng. Chúng tôi đã thông báo cho tòa Bạch Ốc biết diễn tiến của cuộc vận động ồ ạt này và toà Bạch Ốc đang lưu tâm quan sát”.

Chúc cho cuộc vận động thành công tốt đẹp. Chúng ta sẽ không thờ ơ với tội ác, với những kẻ bán nước, vì thờ ơ chính là vô tình đồng lõa với nó.